Friday, August 14, 2009

Bạn thấy mệt mỏi lạ lùng dù không ốm đau, thời tiết vẫn đẹp. Nguyên nhân có thể rất đơn giản, chẳng hạn như ăn quá nhiều tinh bột, hay màu sắc xung quanh không hợp lý.

Ở một thời điểm nào đó, thời tiết không thay đổi, bệnh tật cũng không, vậy mà sao cơ thể vẫn mệt mỏi một cách lạ lùng. Đêm ngủ không an giấc, còn ban ngày mới 11 giờ trưa, đang ngồi trong văn phòng mà mắt bạn cứ díp lại. Miệng đắng ngắt, nghĩ đến việc ăn uống là thấy ngại ngùng, chân tay bải hoải. Bạn chán và ngại công việc, năng suất thấp đến nỗi nơm nớp lo sếp sẽ gọi lên vừa “chân thành góp ý” vừa “bóng gió răn đe”. Bạn nghĩ mãi không hiểu nguyên nhân nào làm tinh thần và cơ thể nhất loạt bãi công để chống lại bạn.

Các bác sĩ gợi ý một số nguyên nhân bạn thường ít nghĩ tới sau đây:

Dùng nhiều thức ăn bột

Nếu bữa trưa nhiều món ăn có tinh bột và ít đạm, bạn có thể mệt mỏi vào xế trưa. Thức ăn bột làm tăng sự sản xuất serotonin, có tác dụng làm dịu, gây buồn ngủ. Protit có thể chống lại sự buồn ngủ ban ngày này bằng cách giảm sự sản sinh ra serotonin. Vậy bạn nên duy trì sự cân bằng giữa hai thành phần trên trong bữa ăn. Nó sẽ giúp bạn loại bỏ được tình trạng ngủ gà ngủ gật vào lúc sắp sửa nghỉ trưa.

Dậy rất muộn vào ngày nghỉ cuối tuần

Những ngày nghỉ thường cho phép bạn thoải mái về giờ giấc, nên bạn tranh thủ “ngủ truy lĩnh” cho đã, có khi 9-10h mới dậy. Sự “vô kỷ luật” ấy rất có hại. Nó làm rối loạn nhịp sinh học của bạn. Hiện tượng này một phần do sự tiết cortisol, một hoóc môn kết hợp với trạng thái thức của cơ thể. Nếu bạn thường dậy vào lúc 7h thì lúc 2-3h sáng, chất này bắt đầu được sản sinh ra, đạt mức tối đa lúc 11h trưa. Nếu dậy muộn, bạn đã giảm hàm lượng cortisol vào giờ này khiến não chìm vào trạng thái uể oải đặc trưng của ngày nghỉ cuối tuần.

Huyết áp thay đổi thất thường

Hạ huyết áp gây kiệt sức. Bạn sẽ đờ đẫn sau khi đứng lâu, chóng mặt khi lên thang gác. Bạn trở nên lười biếng, lúc nào cũng chỉ muốn ngả lưng, ngại công việc. Tất nhiên là phải đến bác sĩ nhưng trước mắt, bạn có thể dùng thử một chất gây kích thích, chẳng hạn uống ly cà phê, ngậm viên kẹo gừng, nhai miếng cam thảo. Nếu quả thật giải pháp tình thế ấy cải thiện được sự mệt mỏi thì hạ huyết áp đúng là thủ phạm rồi. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên ăn uống thế nào, dùng thuốc gì.

Cơ thể mất nước

Khi bạn khát, cơ thể báo cho biết bạn đang bị mất nước đáng kể, nhịp độ hoạt động giảm. Sự mất nước làm giảm thể tích máu và hậu quả là mệt mỏi. Cách chữa quá đơn giản: uống 8-10 cốc nước mỗi ngày và khi hoạt động thể lực thì phải uống nhiều hơn.

Dùng thuốc có tác dụng phụ

Một số dược phẩm, ví dụ thuốc chống dị ứng, có tác dụng gây ngủ. Một vài loại thuốc điều trị sổ mũi, ho và lợi tiểu cũng có tác dụng này. Nên hỏi bác sĩ xem chúng có phải là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi, buồn ngủ không để thay thuốc khác.

Căng thẳng đầu óc

Tình trạng phải suy nghĩ nhiều hơn trong công việc, đời sống sẽ khiến bạn bị stress, gây mệt mỏi. Nhiều khi, sự lo lắng làm bạn nín hơi mà không tự biết. Nó khiến cho lượng ôxy đến cơ thể bị giảm, gây kiệt sức. Nên tự thư giãn bằng cách đổi tư thế, người duỗi dài, tập trung hít vào thở ra thật sâu, hay đi bộ, gặp các nhà tâm lý để giải tỏa tư tưởng. Việc bị stress triền miên rất nguy hiểm, nó để lại dấu ấn ở tính cách bạn.

Có vấn đề về mắt

“Cánh cửa của tâm hồn” có thể là căn nguyên của sự mệt mỏi mạn tính mà ít người nghĩ đến, nhất là hiện nay khi ai cũng tiếp xúc với máy tính. Nên thường xuyên kiểm tra thị lực, nếu thấy giảm sút nhiều là có vấn đề. Nhưng dù chưa khẳng đinh chiếc máy vi tính là thủ phạm thì bạn cũng cứ nên để ý cho mắt nghỉ ngơi.

Màu sắc không gian xung quanh

Màu sắc nơi bạn làm việc, sinh hoạt hằng ngày đặc biệt là những màu trầm, buồn tẻ như xám, nâu... cũng là một nguyên nhân (tuy không nhiều) gây mệt mỏi. Nên trang trí lại khung cảnh xung quanh bằng những màu tươi sáng, nóng như vàng, hồng, xanh nhạt, da cam... Việc nhìn chăm chú vào một vật màu đỏ đôi khi giúp bạn hành động nhanh để chống lại trạng thái trống rỗng của tâm hồn.

Để không cảm thấy mệt mỏi

Cảm giác mệt mỏi, cơ thể như bị rã rời, không nhấc nổi mình hoặc không muốn ăn uống, làm việc... là trạng thái rất phổ biến ở cả người trẻ và người già. Mệt mỏi không phải là bệnh mà có thể là sự biểu hiện của bệnh, sự suy nhược của cơ thể hay sự kém thích nghi của cơ thể với sự thay đổi nào đó của yếu tố bên ngoài.

Những lý do làm cơ thể mệt mỏi

Do quá sức: Những hoạt động quá sức về thể lực và tinh thần là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này. Đó là việc lao động chân tay liên tục với cường độ cao mà không được nghỉ ngơi hay học sinh, sinh viên phải thi cử triền miên.

Do mắc các bệnh mạn tính: Người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường thường dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi. Cơ thể của những bệnh nhân này hầu như bị suy nhược phần nào về sức khoẻ, họ ăn uống theo chế độ đặc biệt và phải dùng thuốc điều trị thường xuyên. Nếu sau một giai đoạn bệnh nặng thì cơ thể càng cảm thấy mệt mỏi.

Do tuổi tác: Càng về già, các chức năng của cơ thể càng giảm sút. Họ rất dễ mắc bệnh kể cả bệnh truyền nhiễm và bệnh mạn tĩnh, người cao tuổi thường tỏ ra chậm chạp, trầm tư hơn người trẻ tuổi, chỉ phải tiến hành một hoạt động hơi quá sức một chút họ cảm thấy mệt mỏi, không thiết tha ăn uống. Họ cũng thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày trong khi ban đêm lại rất khó ngủ và dậy sớm.

Do stress: Đây là nguyên nhân rất nghiêm trọng dẫn đến sự mệt mỏi của cơ thể. Nhiều người bị stress nhưng không nhận ra, họ cảm thấy chán nản mọi thứ, dễ bi luỵ trong khi các bộ phận của cơ thể đều bình thường nhưng ăn không ngon, không thiết tha với bất cứ điều gì.

Sau những cú sốc trong tình cảm, công việc... rất nhiều người bị stress, người già cũng dễ bị stress do cảm giác tự ti vì tuổi cao sức yếu, do hối tiếc với thời thanh niên đã qua... Sự mệt mỏi do stress nếu không được cải thiện tốt dễ dẫn con người ta đến những hành vi sai lầm trong cuộc sống và làm suy kiệt sức khỏe.

Do huyết áp thấp: Người có huyết áp thấp thường thiếu glucose và ôxy trong não nên dễ mệt mỏibuồn ngủ. Những người này thường chậm chạp và di chuyển khó khăn, họ thường nằm nghỉ vì hay bị chóng mặt. Nếu kết hợp với các bệnh mạn tính hay tình trạng stress thì mệt mỏi càng trầm trọng hơn.

Do chứng ngừng thở khi ngủ: Biểu hiện chứng ngừng thở khi ngủ là tật ngáy và ngừng thở từ 30 - 50 giây. Những người này có giấc ngủ không sâu, không liên tục, họ rất hay bị thức giấc, do đó ban ngày rất hay dễ bị buồn ngủngủ gật. Trong trường hợp này cần đi khám bệnh về giấc ngủ để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị.

Do sự thay đổi thời tiết: Sự thay đổi thời tiết từ mưa sang nắng, nóng sang lạnh... làm cho cơ thể con người cũng phải có những thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên mới.

Sự thay đổi này làm cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức khớp, cơ, các dây thần kinh... xảy ra ở nhiều người, trẻ em thì quấy khóc bỏ ăn. Mệt mỏi còn do sự thay đổi múi giờ (đi từ nước này sang nước khác), do thay đổi thói quen ăn uống làm cho cơ thể chưa thích nghi.

Cảm giác mệt mỏi còn hay gặp ở những người ít vận động, hay làm việc một chỗ, cũng dễ thấy ở các đối tượng có lối sống bừa bãi buông thả, không tuân theo đồng hồ sinh học trong cơ thể.

Xử trí và đề phòng sự mệt mỏi như thế nào?

Đối với trẻ em: Khi thấy trẻ mệt mỏi (bỏ chơi, đột nhiên thấy trẻ ngủmệt trong những giờ mà trẻ hay chơi...) phải xem trẻ có bị sốt không . Có đau mỏi ở đâu không? Nếu trẻ có biểu hiện ốm đau cần phải đưa đi khám và điều trị kịp thời. Nếu trẻ không có bệnh, cần tăng thêm chế độ ăn uống của trẻ như ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước, mát-xa cho trẻ càng tốt, hỏi chuyện để tìm hiểu những buồn phiền, lo lắng của trẻ nếu có.

Đối với người cao tuổi: Nếu người cao tuổi có bệnh mạn tính, mệt mỏi nhiều cần đi kiểm tra ngay tình trạng đường huyết, huyết áp. Nếu không có bệnh mạn tính và lại mệt mỏi thường xuyên thì cũng cần chú ý đến sự thay đổi này vì rất có thể đó là biểu hiện của bệnh nào đó. Khi mệt mỏi, người cao tuổi cần nghỉ ngơi và chủ động tìm những hoạt động kích thích sự hưng phấn của tinh thần.

Đối với người trong tuổi lao động: Khi mệt mỏi cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, ngủ đúng giờ.

Đề phòng chứng mệt mỏi phải giữ được sự thanh thản của tinh thần, hạn chế tối đa tình trạng stress, ăn uống đủ chất, không nên ăn quá nhiều chất đạm, mỡ, uống nhiều bia rượu, thuốc lá, uống nhiều nước. Cần có sự tham gia những hoạt động tinh thần tập thể, nhất là người cao tuổi. Mọi người đặc biệt chú ý đến sự luyện tập thường xuyên cụ thể như đi bộ, chạy, bơi lội... tuỳ theo sức khoẻ của từng người.